Nhắc đến Châu Đốc hay Núi Sam thì người ta lại nhớ ngay đến Miếu Bà Chúa Xứ. Từ lâu, nơi đây đã trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng của các đoàn hành hương và du khách gần xa, đặc biệt là với dân miền Tây. Với niềm tin vào sự linh thiêng, ứng nghiệm, “cầu được ước thấy, hàng năm, miếu Bà thu hút hơn hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng.
𝐓𝐨𝐮𝐫 𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 #𝐂𝐡𝐚̂𝐮_Đ𝐨̂́𝐜 - #𝐍𝐮́𝐢_𝐂𝐚̂́𝐦 - #𝐓𝐢̣𝐧𝐡_𝐁𝐢𝐞̂𝐧 𝟏 𝐧𝐠𝐚̀𝐲 𝟏 đ𝐞̂𝐦 ,𝐜𝐡𝐢̉ 𝐜𝐨́ #𝟓𝟗𝟎𝐊 / 𝐊𝐡𝐚́𝐜𝐡
Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến hành hương và chiếm bái tại miếu Bà. Chẳng biết từ khi nào, Bà Chúa Xứ đã trở thành điểm tựa tâm linh của người dân khắp nơi trên cả nước.
Lịch sử Miếu Bà có từ khi nào đến nay vẫn là điều bí ẩn, tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu thì miếu Bà được xây dựng từ khoảng đầu thế kỉ XVIII khi ông Thoại Ngọc Hầu đến trấn giữ vùng đất Tây Nam. Ông được triều đình giao trọng trách đào kênh Vĩnh Tế, con kênh này dài 100km, rộng 50m, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Đây là công trình vĩ đại nhằm mục đích thoát lũ, xả phèn cho ĐBSCL, rút ngắn con đường giao thương đường thủy vùng phía Tây. Tuy nhiên, khi tiến hành thì liên tục gặp trục trặc, nhiều người chết do tai nạn, bệnh tật hay bị thú dữ tấn công.
Trước tình hình đó, vợ ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế đã nghe lời dân làng đến cúng bái tượng Bà, quả nhiên ngay sau đó việc xây dựng diễn ra rất suông sẻ. Không những thế, bà còn khấn vái cầu cho ông Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ yên bình cho nhân dân. Về sau, để tạ ơn, bà cho xây dựng lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Nếu đúng như vậy thì rất có thể Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng dưới thời Minh Mạng.
Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay kiến trúc miếu có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Chánh điện gồm hai lớp. Lớp trong cùng là nơi thờ Bà Chúa Xứ với tượng Bà bằng đá đặt trên bệ cao, sát hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà.
Bên phải tượng Bà là một linga bằng đá đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải)
𝐍𝐡𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐭𝐫𝐮𝐲𝐞̂̀𝐧 𝐭𝐡𝐮𝐲𝐞̂́𝐭 𝐥𝐲 𝐤𝐲̀ 𝐯𝐞̂̀ 𝐬𝐮̛̣ 𝐥𝐢𝐧𝐡 𝐮̛́𝐧𝐠
Khi bước vào chánh điện của miếu Bà, chúng ta dễ dàng bắt gặp đôi câu đối thể hiện quyền lực linh thiêng của Bà trong việc ban phúc, bảo vệ nhân dân.
Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị
Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lượng
(Cầu nhất định được, ban nhất định linh, báo mộng cho biết
Người Xiêm phải sợ, người Thanh phải nể, không thể tưởng tượng nổi)
Bởi sự linh ứng đó mà số lượng du khách đến ngày càng đông đúc. Bà con quanh năm làm ăn thuận lợi, phát đạt, mùa màng bội thu. Giặc ngoại xâm nghe tới danh bà cũng phải khiếp sợ.
Theo truyền thuyết, những năm 1820 – 1825, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta, có lần chúng đuổi theo dân lên đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng ra sức khiêng tượng Bà xuống núi nhưng đến một đoạn thì lạ thay tượng Bà nặng trĩu, không nhấc lên được. Một tên trong đó tức giận làm gãy cánh tay trái của Bà, ngay lập tức hắn bị Bà trừng phạt. Từ đó, Bà thường hiện về tự xưng là Bà Chúa Xứ dạy dân cách lập miếu thờ để Bà phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp, thoát khỏi dịch bệnh.
Trước đây, tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Cũng theo dân gian kể lại, khi nhìn thấy sự linh ứng, người dân quyết định khiêng tượng Bà về thờ cúng nhưng lạ thay mấy chục thanh niên cường tráng không thể lay chuyển được tượng Bà. Trong lúc đó, có một cô gái “lên đồng” bảo rằng Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng, quả nhiên tượng Bà được khiêng xuống một cách dễ dàng. Nhưng khi khiêng đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch, không thể khiêng một bước nào nữa. Lúc đó các bậc cao niên nghĩ rằng Bà chọn nơi đây để an vị và lập miếu thờ cúng ngay chỗ đó.
Nói về nguồn gốc của tượng Bà cũng lại là một “ẩn số” và có nhiều truyền thuyết ly kỳ, huyền bí. Người dân Vĩnh Tế xưa chỉ biết rằng có một pho tượng đá lớn không ai biết từ đâu đến ngồi ngự trên lưng chừng núi Sam. Theo nhà văn Sơn Nam, “tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó "Bà Chúa Xứ" là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy”.
Đến nay, mỗi khi về đến chân núi Sam mà hỏi về những truyền thuyết và sự linh ứng của Bà Chúa Xứ thì người dân địa phương kể chẳng biết đến khi nào cho hết. Những truyền thuyết và lời kể đó đến nay chẳng biết có hay không tuy nhiên niềm tin tưởng của du khách gần xa đối với bà là có thật. Miếu Bà Chúa Xứ không chỉ là có ý nghĩa tâm linh to lớn đối với người dân An Giang mà còn là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho nhân dân trong khắp cả nước. Người hành hương đến viếng Bà bằng tất cả sự tôn kính để cầu mong cuộc sống được an yên, ấm no, hạnh phúc.
Nguồn Báo Pháp Luật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét